Giả sử, bạn có một đề tập làm văn cần phải làm và có thêm cả
một cuốn sách tham khảo nữa, thì bạn sẽ…
1. Người ta nói rằng…
“Nghe nói dạo này hạnh phúc lắm đúng không?”, “Thật ra, lỗi không phải do thằng đó, do nhỏ đó có người mới trước, thằng đó tốt vậy mà không chịu đâu, nghe nói bồ mới xấu lắm, nay tàn rồi”, “Mày đừng tin nó, mày cũng có giá của mày, không lẽ hết lần này đến lần khác bỏ qua dễ dàng vậy”, “T thấy nó nay thay đổi lắm, xem lại có vấn đề gì không”, “Không được thì bỏ đi, làm gì phải mệt mỏi như vậy?”
Đó là một vài ví dụ điển hình thôi, chứ mấy câu đại loại thế nhiều không kể nổi và còn tùy trường hợp mà có cách “phán xét” riêng. Chúng ta thường dễ bị nhầm lẫn giữa “lời khuyên” và “phán xét”, xét trên hai phương diện “hiểu rõ” và “đoán bừa”, ranh giới của chúng thật sự rất mong manh nhưng mức độ ảnh hưởng thì lớn đến không ngờ. Và mức độ ảnh hưởng chúng ta có quyền quyết định.
2. Chuyện của riêng chúng ta.
Đôi khi chính người trong cuộc còn chẳng hiểu được, nói chi là người ngoài.
“Riêng”,
tức là chỉ hai người, hoặc một trong hai người giữ bí mật cho mình. Trường hợp thứ hai vô cùng nguy hiểm, nếu chuyện đó “chẳng may” một người khác biết (bằng cách nào thì không bàn tới). Và rồi, đoán xem, vô tình hay cố ý, nguyên văn hay thêm thắt, ý tốt hay ý xấu,… thì ít nhiều cũng “gây ảnh hưởng” đến người biết tin đó qua lời của người ngoài. Lúc đó, bị dồn vào thế bị động, khuynh hướng nghe và tin được xem là điều dễ hiểu. Qua lời kể khác nhau thì câu chuyện dần được thay đổi, tưởng chừng chỉ là tiểu tiết nhỏ nhưng lại quyết định cả kết thúc của câu chuyện. Thử hỏi, thấy đáng không và bạn có muốn người khác có quyền lên kịch bản, biên kịch, rồi bạn chỉ đơn thuần là một diễn viên “nhìn” cái kết chuyện đi quá xa dự định ban đâu của bạn. Nên nhớ, trong bộ phim tình cảm có những bi kịch như này, bạn phải là người chủ động.
Suy đến cùng, thu gọn về sự tin tưởng từ đó lựa chọn được thông tin cần nghe.
3. Những câu chuyện khác nhau
Nói như vậy, không có nghĩa là coi thường, xem nhẹ những lời nói của người khác. Bởi, những điều đó cũng xuất phát từ hai từ “quan tâm”. Còn “quan tâm” như thế nào là một phức tạp ở đằng sau nữa. Cốt ở chỗ, người ta có quyền nói, bạn có quyền nghe hoặc không nghe. Nên tốt nhất là “nghe một phần”. Một mối quan hệ được duy trì lâu hơn nếu không có quá nhiều những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng, đương nhiên bao gồm cả “lời người ta nói”.
Cái gì cũng ở mức tương đối là tốt nhất, bạn không quá mù quáng bênh người mình yêu, tin tưởng hết lòng, cũng không phải là nô lệ bởi lời nói người khác. Những câu chuyện qua những lời kể khác nhau, đương nhiên là khác nhau. Vậy tại sao không thử nghe từ hai phía?
Quay lại giải quyết tình huống giả sử ban đầu. Bạn có một đề tập làm văn và một cuốn sách tham khảo. Vậy, bạn sẽ chép nguyên mẫu theo cuốn sách tham khảo ấy hay là tự mình làm không cần tới bất kì sự trợ giúp có sẵn nào. Hay là kết hợp lại để viết riêng cho mình bài văn với những lời hay ý đẹp được lựa chọn và diễn đạt bằng cảm xúc của bản thân. Bạn chọn cách nào?
1.
0 nhận xét