[Review phim] LADY BIRD. NỔI LOẠN ĐỂ TRƯỞNG THÀNH?

By Phương Dương - 6/13/2021

 “Trưởng thành là một quá trình đau đớn. Nhưng chỉ có chấp nhận đau đớn thì những cô bé cậu bé ở tuổi thiếu niên mới học được các bài học giá trị.” Nhắc tới chủ đề phim viết về tuổi trưởng thành có lẽ đã quá quen và đã được rất nhiều nhà làm phim khai thác, thế nhưng ở “Lady Bird”, sự gần gũi, bình dị và chân thật được xây dựng từ chính câu chuyện, kỉ niệm thời niên thiếu của tác giả đã chinh phục được người xem với giới phê bình. 

Tuổi trưởng thành hay tuổi nổi loạn? 

Bộ phim được mở đầu bằng cuộc tranh cãi căng thẳng điển hình của “mẹ và con gái”, giữa Christine và mẹ cô – Marion  từ các chuyện vặt hàng ngày, việc muốn nghe nhạc khi mẹ cô muốn yên lặng, đến việc bàn về trường đại học hay cô muốn mẹ gọi mình là Lady Bird, cái tên cô tự đặt cho mình, cả hai không có lấy một điểm chung và cái kết là Lady Bird lao mình ra khỏi ô tô. Đó là sự chống đối, sự khẳng định ý kiến cá nhân theo cách mãnh liệt nhất. 

Ở cái tuổi mười bảy, Lady cũng như những người con gái khác, có những mối quan hệ với bạn bè, mâu thuẫn với cha mẹ về việc chọn trường Đại học, có ước mơ của riêng mình, có tình yêu đầu đời, trải nghiệm tình dục và những vết thương đầu tiên, làm lành với người bạn thân. Những tình tiết mâu thuẫn của bộ phim được xây dựng lên rất đời thường, mà bất kì ai cũng trải qua khoảng thời gian như thế trong chặng đường trưởng thành, vừa quen, vừa lạ. Đó là sự sôi nổi, tràn đầy năng lượng, khao khát tự do và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có được tự do ấy.

Bộ phim từng giữ kỉ lục là phim có đánh giá cao nhất tại trang Rotten Tomatoes với 99% bình luận tích cực. Thành công nhất của bộ phim có lẽ chính là khơi gợi được sự đồng cảm từ người xem, cái chạm của cảm xúc thật sự tinh tế và nhẹ nhàng. Mọi thứ được đưa đến cho người xem từ tình tiết, câu nói nhỏ nhặt nhất, tất cả cảm xúc, cũng như ý đồ của tác giả đã được nữ diễn viên Ireland Saoire trong nhân vật Christine bằng ánh mắt bắt thóp trái tim của người xem và những cử chỉ tinh tế, có lúc quá khích nhưng đủ và không dư thừa. Cộng hưởng sự kết hợp tự nhiên của dàn viên “nắm giữ từng mẫu thuẫn” với nhân vật chính đã tạo nên một tác phẩm có sự đan xen, liên kết, liền mạch một thứ đều vừa vặn và cần thiết để tạo nên tổng thể tròn trịa về hình ảnh và cảm xúc.

Lady Bird là phim đầu tay của đạo diễn Greta Gerwing phát hành năm 2017, như gửi đến người xem một cuốn phim tua ngược về quá khứ tuổi trẻ của người đã trưởng thành, một lá thư gửi đến tuổi 17 đầy những chông chênh. Bài học ý nghĩa nhất mang lại những giá trị tích cực, truyền cảm hứng tới người xem chính là sự cố gắng, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh thấp kém của gia đình, bản thân và niềm tin vào cuộc sống, xem trọng giá trị của gia đình. Như cái cách mà Christine luôn vươn lên tìm đến ánh sáng của tương lai, của hi vọng không ngừng khẳng định giá trị của bản thân. 

Và chúng ta biết rằng, chỉ khi bước đi qua cơn bão thì chúng ta mới có thể trưởng thành.

  • Share:

You Might Also Like

0 nhận xét