CÓ PHẢI MÙA HÈ XANH CÓ MÀU XANH…?!

By Phương Dương - 8/13/2018

CÓ PHẢI MÙA HÈ XANH CÓ MÀU XANH...?!


“Hãy kể về một khắc hạnh phúc trong thanh xuân của cậu?”
“Mùa hè xanh”
“Tại sao cậu lại chọn mùa hè xanh?”


“Mỗi người đều sẽ có một lí do riêng, với mình đơn giản là đi để biết mình còn trẻ. Đi thì cứ đi thôi, mà đã đi thì phải đi thật xa, đã làm thì phải làm cho tới. Thanh xuân là phải rực rỡ và điên cuồng, ai cũng có một cuộc đời, ai cũng có sứ mệnh sống trọn vẹn một đời, không có bất kì ai dập tắt được ngọn lửa tuổi trẻ cả. Làm tình nguyện nhận tình người, với mình vậy là đủ. Mà nói trước nha, đi mùa hè xanh coi chừng bị ghiền đó”

Có phải kí ức được lưu lại trong những bức ảnh là rõ nhất, không, lưu lại trong tim mới mãi mãi không phai mờ
-----------------
Đôi khi vì có nhiều chuyện để viết nên cũng chẳng biết viết từ đâu cả… Từ cái quyết định đi mùa hè xanh một cách chóng vánh, từ mấy tuần tập huấn, từ ngày làm lễ ra quân khóc quá trời khóc, hay lúc đặt bước chân đầu tiên xuống mảnh đất An Giang, những ngày làm việc chung cùng đồng đội. Nhiều chuyện kế để vậy đấy nhưng dù có bắt đầu từ đâu, bằng nước mắt hay nụ cười thì tất cả đều xoay quanh những con người ấy, tất cả đều được tóm gọn trong hai từ “đồng đội”…

“Đồng đội” với mình là gì? Là một điều vừa thiêng liêng mà lại vừa giản dị, không chỉ là để gọi nhau hàng ngày mà còn để gọi tình cảm mà chúng ta dành cho nhau. Mình chỉ gọi “đồng đội ơi…” là có người đáp ngay một tiếng “Ơi…” ngân thật dài rồi chạy đến bên cạnh ngay, cái cảm giác đó thật sự rất hạnh phúc, khiến mình biết rằng chúng ta có nhau, biết rằng chúng ta là một gia đình, biết rằng chúng ta là một phần thanh xuân rực rỡ của nhau, biết rằng tớ có những bờ vai ở một chốn bình yên để có tìm về bất cứ lúc nào, để tựa vào nhau kế chuyện nhau nghe.

Nếu giờ mình khóc một chút thì chắc cũng không sao nhỉ? Chỉ biết là nhớ quá rồi! Mùa hè năm ấy chúng ta đã cùng nhau vẽ nên một bức tranh mang tên Mùa hè xanh, 23 con người là mỗi màu sắc khác nhau, tất cả cùng tô vẽ từng chi tiết nhỏ nhất để rồi ghi dấu cả một thời thời thanh xuân.

Đồng đội ơi, mọi người có tin vào “duyên phận” không? Mình từng nghe đâu đó rằng, duyên phận là một thứ rất kì diệu. Nếu không có duyên phận thì dù có cố ép buộc tới đâu, đi qua hết ngã đường của cuộc đời cũng không tìm được nhau. Nhưng ngược lại nếu chúng ta đã được định sẵn mang một sợi dây kết nối của duyên phận, thì giữa vũ trụ bao la cũng nhận ra nhau, như giữa hoang mạc cuối cùng cũng tìm thấy được ốc đảo không sớm thì muộn. Vậy đó, chúng ta gặp nhau cũng là cái duyên. Cảm ơn vì cuộc đời thật khéo sắp đặt.

Chúng ta có thể bắt đầu từ những lí do khác nhau, có người đi vì muốn trải nghiệm, có người đi vì muốn tránh xa thành phố đầy áp lực, đi vì có bạn cùng đi, đi vì trót yêu màu áo xanh tình nguyện hay muốn cho đi những gì mình đã nhận được. Cho đến giờ thì lí do chẳng còn quan trọng nữa, chỉ biết rằng ngày hôm ấy chúng ta đã khoác lên mình chiếc áo màu xanh ấy, khởi đầu có thể khác nhau nhưng cùng chung một quyết tâm vì một lí tưởng cao cả - tình nguyện.


Khi nào có ảnh đội sẽ bổ sung đầy đủ hình ảnh

Mình nhớ gì về những ngày đã qua …

Mọi người có nhớ mấy ngày đầu đùa nhau về “chi phí cơ hội” đã bỏ ra để đánh đổi lấy mùa hè ở một nơi xa lạ, không có việc làm thêm, tạm gác việc học. Mình dám nói là đáng! Thứ chúng ta bỏ ra là thời gian, thứ chúng ta nhận lại hơn cả là sự trải nghiệm.
Nhớ mấy buổi đầu tập huấn còn xa lạ, vậy mà sau những ngày ăn chung, rồi ngủ chung trên phòng đội là sít gần nhau hơn. Nhớ nhất có lẽ là cả đội cùng tập dân vũ, cùng tập múa tập nhảy, cho tới làm các việc như tổ chức sự kiện, lên giáo án, học thắt dây, sửa điện, làm thủ công và nhiều việc khác nữa. Nhớ lắm mỗi buổi chiều cả đội chạy mấy vòng trường, lúc đầu thì còn sung sức hô khẩu hiệu: “Hè này mình đi đâu? - Mùa hè xanh! Mùa hè xanh!”, “An Giang, An Giang – Đi An Giang, tâm sẵn sang, kỉ luật vàng, vượt gian nan”, tới vòng cuối thì đuối nên nghe toàn tiếng thở thôi. Thương lắm lời động viên nhau “Cố lên, sắp tới rồi!”, thương lắm cốc trà đá chuyền tay nhau. Mấy tuần tập huấn như mang đến một cái nhìn tổng thể những việc sẽ làm của một chiến sĩ mùa hè xanh. Trải qua lần test có vài người không thể cùng biết tiếp là thấy phòng đội như thiếu hẳn. Vậy mà nhanh lắm cơ, mấy ngày cuối tất bật chuẩn bị hậu cần, đồ đạc để lên đường, biết mọi người có thể xuống tinh thần nên các anh chị dành hẳn một buổi để nói chuyện, chia sẻ, sau đêm ấy là thấy cả đội khí thế hừng hực muốn lên xe ngay và luôn.

Hành trang mang theo của các chiến sĩ có gì nhiều đâu, chỉ là nón tai bèo, khăn rằn, thẻ chiến sĩ, dép tổ ong, chiếc balo chiến sĩ, chiếc áo có dòng chữ MÙA HÈ XANH sau lưng, mỗi lần mặc là tự hào vô cùng. Có gì nhiều đâu, vật dụng nhẹ vậy đấy nhưng bù lại là sức nặng của lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần tình nguyện, tình cảm đồng đội. Có những trang bị không thấy được nhưng lại là thứ quan trọng và thiết yếu nhất.
Nhớ về bữa ăn đầu tiên khi cả đội vừa đến An Giang cũng tầm chiều tối, những món ăn giản dị nhưng đong đầy sự đón tiếp nồng hậu của người dân nơi đây, nhớ hoài cái vị của món cá kho tộ bà Hai làm. Có lẽ những món ăn nơi đây đều có vị đặc biệt như thế. Sinh viên đi tình nguyện nên được người dân thương lắm, cho bầu bí khổ qua ăn cả chiến dịch. Mấy món như canh bí, canh bầu, khổ qua xào trứng là thường trực trên bàn ăn luôn, hồi đó thỉnh thoảng có ngán nhưng giờ thì dù có thèm cũng đâu tìm lại được cái vị đó nữa. Cũng nhờ đi mùa hè xanh mà phát hiện được “trình độ” nấu ăn của từng người, thương bếp trưởng nên cũng hay phân công mỗi ngày một người đứng bếp, mà kì lắm dù có phần công ai thì y như rằng cả nhà cùng bay vô nấu chung và bếp trưởng cũng là nhân vật chính không thay đổi. 

Nhà mình đặc biệt là ở sát bên nhà nam nên mấy chuyện này cũng nhiều kỉ niệm lắm. Nhớ nhất chắc là lúc đứng dưới bếp gọi nhau, “nhà nam ơi, có giữ cái nồi bên đó không?”, gần nhau đến mức bên đây nói gì hơi to tiếng là bên kia nghe hết, mỗi lần nấu ăn là chạy qua chạy lại tìm đồ. Nhớ lắm tới lúc cả hai nhà dọn cơm lên ăn chung, ai ngồi gần nồi cơm là y như rằng chỉ bới cơm liên tiếp cho mọi người thôi. Ăn hai nhà nên lâu lắm, đợi đủ mới ăn, thường lúc nào cũng chạy đua với thời gian, họp đội 7h, nấu ăn xong là 6h30, mà tới 6h40, 6h45 mới ăn, nghe giọng nhà trưởng “còn 5 phút để ăn” là nhà nam phải ăn thật nhanh để kịp đi rước nhà nữ. Vậy là có mấy gương mặt quen thuộc “vét nồi”, vì tinh thần chiến sĩ không được bỏ thừa mứa thức ăn. Nói tới đồ ăn là đủ thứ chuyện để kể luôn, nhớ lắm cái bánh sinh nhật bằng rau câu phủ một lớp bánh nabiti vô cùng sáng tạo của nhà nam, nhớ luôn cái ly hột é rong biển, mấy cái bánh plan ngon tuyệt đổi bằng vết bỏng khi làm caramen của một cô bạn, nhớ mấy lần cả đội ăn chung, nồi lẩu chua cay thập cẩm nấu gần ba tiếng mới có ăn, thương mấy bạn không ăn được lẩu mắm của anh Điền mà phải đi chiên trứng kèm theo một nồi mì riêng. Nhớ mấy thùng mì trên phòng đội để dành cấp cứu nhanh bụng đói, một ngày là bốc hơi ngay cả thùng, mì sống và trà đường trở thành món ăn vặt cộp mác Mùa hè xanh Và chắc chắn là không ai quên được chè bắp đặc biệt, ăn một lần là nhớ nhau cả đời, đúng là chơi càng lầy thì càng có kỉ niệm sâu đậm, hậu tiệc chè enzim là bộ ảnh trét lọ nồi để đời.

Phòng đội lúc đầu chỉ ở văn phòng ấp, sau này thì chuyển ra phòng học ở trường mẫu giáo. Phòng đội chính là nơi chứng kiến, ghi lại nhiều kỉ niệm nhất. Nơi ấy chúng ta đã cùng nhau làm việc, chạy đua với thời gian để chuẩn bị sự kiện, người làm việc này, người làm việc kia, ấm tình đồng đội. Nơi ấy là nơi team trang trí dành cả chiến dịch để cắm cọc, nhớ cái lúc cuối đi về, cả team còn chia nhau từng mẩu giấy nhám, chiếc dao rọc giấy để làm sạch những vết sơn còn bám trên sàn, thật sự nhớ lại cảnh ấy mà xúc động muốn khóc. Những vết sơn ấy kết quả của những ngày pha màu lúc đầu chưa ra màu như mong muốn, nhưng giờ thì chuyên nghiệp lắm rồi, vết sơn ấy ghi dấu những lần lăn lê xuống sàn, mỗi người một cây cọ, team tô màu chắc là lực lượng đông đảo nhất trong chiến dịch, đặc điểm nhận dạng dễ lắm, nhìn quần áo đầy màu sơn là biết ngay hà, giặc đâu có ra nhờ vậy mà có cái sau này nhìn là nhớ. Ngày gần cuối khi những bức tranh đã được treo lên, còn chút sơn là cả đội đem dép tổ ong ra sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, mang dép vô dính sơn đầy chân nhìn hài lắm luôn.

Mọi người biết không, khi nghe một ai đó nói rằng: “Mình cảm thấy trong chiến dịch này mình chẳng làm gì được cho đội cả”, thật sự cảm thấy rất buồn khi có nhiều người mang trong mình một suy nghĩ như thế. Mọi người biết không, mọi người đã làm được rất nhiều rồi đấy! Nếu không có người hì hục pha màu thì lấy đâu ra màu để tô, nếu không có người tô màu thì làm gì có những bức tranh thật đẹp, nếu không có những người cặm cụi vẽ thì làm gì có được sân khấu hay chương trình thật đặc sắc, nếu không có những người đứng sau sân khấu chăm chút từng vật dụng hậu cần thì chương trình liệu có thành công, không có người nấu ăn thì làm gì có sức để tiếp tục công việc, không có người đứng sau khung hình chạy khắp nơi để chụp ảnh thì lấy đâu ra những kỉ niệm sau này còn để xem. Không phải khi được nắm chính một chương trình nào đó thì mới tính đã làm được nhiều việc cho đội, vốn dĩ điều lớn lao luôn bắt đầu được tạo nên từ những điều nhỏ mà. Đôi khi chỉ cần làm một việc rất nhỏ mà hết lòng thì đã quá đủ rồi, được là chính mình cũng là việc đáng để tự hào. Nên ai mà có nói câu: “Mình chẳng làm được gì!”, thì mình có thể kể rất rất nhiều chuyện mà mọi người đã làm, bởi đôi khi việc mình làm mình không nhìn thấy được nhưng người ngoài nhìn vào thì sẽ thấy rất rõ. Mong là không còn ai phải buồn, phải rơi nước mắt về câu chuyện “Mình làm gì trong chiến dịch này?”

Mùa hè xanh là một chuyến đi thực tế mang lại rất nhiều bài học và trải nghiệm. Bạn sẽ được làm những điều mình chưa từng làm, kể cả những điều mình nghĩ chẳng bao giờ có thể làm thì với mùa hè xanh, không gì là không thể, mà do bạn muốn hay không thôi. Từ việc tập văn nghệ, lần đầu tiên cầm mic đứng hát trước mặt nhiều người. Những MC không chuyên phải viết kịch bản bằng tay, rồi sau nhiều lần luyện tập cũng đã tự tin đứng trước sân khấu. Những chiến sĩ lần đầu làm cô giáo, thấy giáo dù chỉ mỗi tuần đi dạy vài lần nhưng vẫn đặt tâm huyết trong từng trang giáo án, có người lần đầu tiên biết vẽ và tô màu nhưng vẫn làm thật tốt, lần đầu tổ chức một sự kiện mà phải dự trù đủ thứ, hậu cần phải học cách tiết kiệm nhất có thể. Nhưng điều mà chúng ta học được nhiều nhất có lẽ chính là cách kiểm soát thái độ và cái tôi của bản thân, bởi mùa hè xanh là mình làm cùng nhau chứ không phải so đo xem ai giỏi hơn ai.

Hình ảnh về một đoàn người đi liền nhau thật sự ám ảnh trong tâm trí mình, dù ngày có nắng gắt hay mưa trên đầu một hàng vẫn thẳng đều, vẫn đi cùng nhau vượt mấy cây số cũng chẳng hề chi. Mấy ngày đầu, đôi chân vì mang dép tổ ong bị phồng lên đau lắm phải nhờ đến băng cá nhân, rồi đi hoài cũng quen, ngón chân chai sần chẳng còn cảm giác đau nữa, mà ngược lại thấy dép tổ ong là thoải mái nhất, về thành phố không lẽ mang luôn ta. Nhớ mấy lúc đi đường xa, có người mệt là nắm tay dẫn đi, đẩy người từ phía sau rồi cứ động viên nhau. Nhớ lắm mấy chiếc xe đạp, thương mấy bạn nam chở đồ hậu cần cho sự kiện xong là cố gắng chạy lại thật nhanh để chở những bạn nữ cho đỡ mệt, xe đạp có mấy chiếc nên cứ nhường nhau đi, chiếc xe đạp leo núi, muốn ngồi cũng phải có “skill” riêng. Những bàn chân đạp đều từng vòng xe đi đến lớp dạy các em nhỏ học tiếng Anh, những vòng xe đưa nhà nam đi xây nhà tình bạn. Những bước chân, những vòng xe của chặng đường mùa hè xanh thật ý nghĩa biết bao. Khi trở về thành phố với những con đường rộng đầy xe cộ lại cứ hoài niệm về đường làng nhỏ hẹp, bên kia là hàng tre trải dài, cách một con sông là cách đồng bắp, cứ yên ả mà cùng nhau tiến về phía trước vậy đấy.

28 ngày qua, như một bộ phim dài 28 tập với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc, những thước phim với nhân vật chính là những con người ấy, nhạc nền là bài hát Mùa hè xanh cứ ám ảnh tâm trí, tất cả được ghi lại dưới một bầu trời xanh ngát, cái nắng cháy da, những cơn mưa nặng hạt đến và đi bất chợt, bao trùm bởi khung cảnh làng quê yên bình, đám lúa sắp chín vàng và cánh đồng sen nở rộ lúc đi chụp hình đội. Những ngày có nụ cười tươi lắm khi sinh hoạt với các em nhỏ, những ngày có giọt nước mắt rơi vì áp lực công việc, vì những câu chuyện tổn thương không ai biết, những ngày có giọt mồ hôi rơi lúc hành quân mấy cây số hay dọn dẹp phát quang, nếu gom lại tất cả những giọt nước mắt và mồ hôi là đủ ướt chiếc khăn rằn chiếc sĩ, những lúc làm việc nặng bị thương còn đổ cả máu. Cũng có những lúc nặng lời, những lúc góp xuất phát chân thành nhưng với thái độ không đúng lại làm tổn thương nhau, những lần cãi vả vì chưa hiểu được nhau. Đôi khi những xay xướt ấy lại được chữa lành bằng chính tình cảm đồng đội, những lần quan tâm, chia sẻ, những cái nắm tay, cái ôm siết chặt đã xóa tan mọi khoảng cách, gạt đi sự lạc lỏng đâu đó còn tồn tại. Rồi người này thích người kia bị cả đội đem ra ghẹo chỉ biết cười trừ. Làm tình nguyện nhận tình người, thương cái cách mà chiến sĩ gọi hộ nuôi quân là má, là bà, là anh, ngày chia tay không nỡ nói lời tạm biệt, những cái hẹn không biết đến bao giờ mới gặp lại, thương lắm những con người nơi đây.  Đồng đội ơi, nhớ không, đêm cuối cùng, gala tổng kết hôm ấy, chúng ta đã hát vang bài hát “Mãi như ngày hôm qua”, chúng ta đã khóc rất nhiều, chúng ta đã nói những điều chưa nói. Bộ phim này sẽ là một kết thúc mở, có những điều để lại ở An Giang, có những chuyện về thành phố rồi tính tiếp, có những hối tiếc, nhưng tất cả thật đáng nhớ, thật đáng trân trọng, và bộ phim về những con người này biết đâu còn nhiều phần tiếp theo nữa.

Từ bỏ một thói quen không bao giờ là chuyện dễ, 28 ngày, những con người lúc nào cũng bên nhau. Sáng sớm là í ới gọi dậy, quay qua mở mắt là nhìn thấy đồng đội đầu tiên. Lúc nào cũng có người đi chung riết thành quen, ăn cũng ăn chung, làm cũng cùng nhau, tối thì ngủ sát nhau vì cái chiếu không đủ chứa tới mấy con người, vậy mà ấm lắm nha. Lo lắng cho nhau từng chút một, nhớ cốc nước gừng nóng khi có đứa em đau bụng, nhớ tô cháo nóng khi nhà nam có người bệnh cảm. Nhớ lắm những ngày ôm đàn ngồi hát cùng nhau.  “Chị muốn dù công việc có căng thẳng đến đâu thì khi về đến nhà là nơi chị cảm thấy bình yên và thoải mái, ngôi nhà này cũng như mọi người đã giúp chị được cảm nhận được điều đó”, tới giờ mình vẫn nhớ hoài câu nói của chị đội phó, nhà không chỉ nơi để về, nhà còn là nơi để nói ra những điều chưa thể nói và rồi nhận được sự bình yên, nơi nước mắt không cần dấu và rồi sẽ có người lắng nghe từng suy nghĩ, có thể im lặng, có thể đưa ra lời khuyên, cái quan trọng là khiến bạn nhẹ nhàng và an yên hơn.

Giờ nếu như nhắm mắt lại mà hỏi rằng có cảm thấy là một đội không, thì mọi người sẽ đưa tay thật cao chứ? Cảm ơn không biết bao nhiêu là đủ, nên thôi thì đơn giản mà đầy đủ nhất, cảm ơn vì đã là một đội. Chẳng ai có thể sống hoài ở quá khứ, suy cho cùng những thứ đã qua dù tươi đẹp đến nhường nào, dù có hạnh phúc tới đâu thì cũng gói gọn trong kỉ niệm. Chúng ta phải sống cho hiện tại và một khoảng lưng chừng tương lai, mỗi người lại có một con đường với ngã rẽ khác nhau. Chỉ cần chúng ta nhớ về nhau, nhớ về những ngày hè xanh ấy… Hạnh phúc của thanh xuân nhìn quanh đâu cũng có bạn bè, vui thì có hội để quẩy, mệt thì có bờ vai để dựa, khóc thì có người đưa khăn giấy và luôn có người ngồi nghe mình kể chuyện xàm. Chỉ hy vọng rằng, sau này, chúng ta có thể mỉm cười nhìn lại khoảng thời gian bên nhau. Những tháng năm ấy: “Cảm ơn vì đã xuất hiện trong thanh xuân của nhau!”

Vậy đấy, trả lời cho câu hỏi lúc đầu, mùa hè xanh có nhiều màu lắm, tùy cách mỗi người cảm nhận khi đã hết mình với nó mà thôi.

  • Share:

You Might Also Like

2 nhận xét