Nếu như RED như ví dụ điển hình mà Taylor Swift dùng những màu sắc để so sánh cho những tình cảm của cô lúc mới yêu, nhớ nhung và chia xa, mang một màu đỏ rực cháy. Thì đến Maroon, một bài hát mà Taylor Swift đã dùng cả một bảng màu đỏ đầy sắc thái để vẽ nên.
Ở đó có màu đỏ hồng của chai rượu Rosé rẻ tiền, màu đỏ tía của rượu Burgundy vương trên áo, màu nâu đỏ nhạt vét của gỉ sét trên chiếc điện thoại đã lâu chẳng liên lạc, màu son đỏ tươi yêu thích của Swift, hay đôi má hây hây màu đỏ cam vì ngại, màu đỏ của những viên Ruby nữa. Và cuối cùng là màu đỏ sẫm bao trùm khi tình đến hồi kết.Có thể nói Maroon như một mạch chuyện hoàn chỉnh về mối tình của nhân vật trong bài hát. Từ lúc mới yêu đương, đến lúc rạn vỡ, chia tay nhau và kỷ niệm mãi còn vương vấn.
Đoạn đầu bài hát là hình ảnh cả hai quấn quít bên nhau sau buổi tiệc rượu, chẳng còn ý niệm về thời gian nữa.
Đến chorus ta có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh ở các bài hát trước đây của Taylor. Swift đã hồi tượng lại mối quan hệ tốt đẹp như "Holy Ground" của năm 2012, mà cô ấy hát: “But I don’t wanna dance. If I’m not dancing with you”, chắc chắn phải là anh, vì tôi đã chọn anh rồi. Và cũng trong chính bài hát đó, Taylor đã nhắc về New York: “Back to a first glance feeling on New York time. Back when you fit my poems like a perfect rhyme”.
New York là nơi có rất nhiều kỉ niệm với Taylor, là nơi cô hay đưa vào bài hát của mình. Bên cạnh dành cả một bài “Welcome to New York”, New York còn được bắt gặp trong các bài hát như “False God” với lyrics: “I’m New York City. I still do it for you, babe”. Dòng này cũng gợi lại cho ta về “Cornelia Street” - một con phố ở New York “Years ago, we were just inside. Barefoot in the kitchen”. Biết đâu chừng, câu chuyện này kể về mối tình hai người đã nhắc đến trong “Cornelia Street” chăng?
Và đó cũng là điều mình thích nhất về album Midnight lần này, khi nghe một track ta có thể hồi tưởng lại rất nhiều bài hát trước đây của Taylor.
Tiếp đến là những hình ảnh liên tiếp nhau mang sắc thái khác nhau của màu đỏ. Nếu như màu đỏ ở RED là một màu đỏ rực cháy - “burning red”, thì ở Maroon màu đỏ chủ đạo, được lấy làm nền cho bài hát lại là màu đỏ sẫm, nó gợi ý một phiên bản đen tối hơn, trưởng thành hơn của tình yêu say đắm mù quáng mà cô đã dấn thân vào Red era.
“The burgundy on my t-shirt. When you splashed your wine into me”. Burgundy chúng ta hay gọi là màu đỏ rượu, đây cũng là một rượu ở Pháp có màu đỏ tía. Và hai dòng này khiến ta lại nhớ về “Clean” Taylor đã từng viết một câu như này: “You’re still all over me. Like a wine-stained dress I can’t wear anymore” (Bao năm trôi qua, mình vẫn không ngừng cảm thán về lyrics này)
“The mark thеy saw on my collarbone”, nếu “the mark” Taylor Swift nhắc đến là vết hickey thì nó cũng mang màu đỏ bầm.
“The rust that grew between telephones” có thể ám chỉ một mối quan hệ xa cách, chỉ liên lạc với nhau qua chiếc điện thoại, đến khi không còn những cuộc gọi nữa, thì chiếc điện thoại ấy cũng chìm vào quên lãng và dần cũ kĩ. Khoảng cách dường như là lí do khiến mối quan hệ tan vỡ. Swift đề cập đến một mối quan hệ yêu xa trong suốt "Come Back ... Be Here," cũng từ album Red của cô.
“And how the blood rushed into my cheeks… The lips I used to call home so scarlet” khiến ta nhớ đến hình ảnh cô gái trong Wildest Dream "Red lips and rosy cheeks" và đôi môi màu son đỏ như hình ảnh gắn liền với Taylor.
Sang verse 2, là những lần im lặng nhấn chìm mối quan hệ và trong tầm mắt đã lạc mất đối phương. Verse 2 cũng đối nghịch lại với verse 1 “lost track of time again - lose sight of us again” và “And I chose you - And I lost you”.
“Carnations you had thought were roses, that's us” lại là một hình ảnh Taylor dùng double-meaning. Hoa cẩm chướng là một loài hoa “thấp kém” hơn hoa hồng, mang ý nghĩa mối quan hệ của họ không tốt đẹp như họ mường tượng.
Ở một số nước châu Âu, hoa cẩm chướng thậm chí còn được biết đến nhiều nhất là hoa tang lễ, do đó hoa cẩm chướng có thể là đại diện cho một chuyện tình đã chết. Đây là một hình ảnh tương phản tuyệt vời đối với hoa hồng, vì chúng được biết đến phổ biến như là biểu tượng cho tình yêu và sự lãng mạn.
Ngoài ra, ở các trường trung học Mỹ, hoa cẩm chướng thường được trao nhau vào Ngày lễ tình nhân. Vì vậy, những bông hoa này cũng có thể tượng trưng cho một mối quan hệ chớm nở hoặc ít nghiêm túc hơn, trái ngược với hoa hồng có thể tượng trưng cho một tình yêu trưởng thành và chân chính hơn.
Thêm một màu đỏ được nhắc đến nữa là dải màu trải dài từ đỏ sẫm đến hơi hồng / đỏ tía của viên đá quý Ruby. Như ngụ ý Taylor rất xem trọng mối quan hệ này, và cô rất tiếc nuối khi chọn từ bỏ vì dù thế nào đi nữa, cô cũng vẫn cảm nhận được nó (I feel you, no matter what”
Đến đoạn bridge, sau tất cả những kí ức về người ấy vẫn như vết rượu vang trên chiếc váy mà chẳng thể nào xóa sạch đi được (You’re still all over me. Like a wine-stained dress I can’t wear anymore - Clean).
Một khoảng lưng chừng giữa “your memory” và “over me” cũng có thể hiểu theo nghĩa là ta đã giữ lại ký ức mà người đó bỏ lại và sau đó mỗi ngày thức dậy như đám mây nặng trĩu bao trùm, như trong ta vẫn bị ám ảnh bởi kỉ niệm cùng người ấy trong tâm trí, như vòng lặp lẩn quẩn.
Sau khi nghe nát album Midnight, Maroon chính là bài hát yêu thích nhất của mình, từ melody, đến lyrics. Taylor viết lyrics thì đỉnh khỏi bàn rồi, nhưng mỗi lần phân tích bài hát của chị, luôn khiến mình phải trầm trồ, phải thốt lên rằng tại sao có thể viết nên những câu như thế, có thể dùng những hình ảnh liên tưởng, so sánh tuyệt vời đến vậy. Và Maroon là một chuyện tình buồn, đẹp nhưng buồn. Có lẽ thế nên bài hát này khiến mình thích thú đến vậy.